BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU CHƯƠNG TRÌNH “KHUYẾN HỌC XANH”
Hưởng ứng “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 – 2030, tầm nhìn 2050” (ban hành theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ), gắn kết phong trào "Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2023-2030" do Thủ tướng phát động ngày 10/6/2023, Hội Khuyến học Việt Nam đang nghiên cứu khởi động Chương trình “khuyến học xanh”. Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Đắk Lắk xin cung cấp một số thông tin cơ bản về vấn đề trên như sau:
Tiết học Công nghệ tin học ở trường TH-THCS Quang Trung, huyện Krông Năng. Ảnh: Thanh Xuân
I. Khuyến học xanh và Chương trình “khuyến học xanh” là gì?
Khuyến học xanh là chuyển đổi cách thức, nội dung hoạt động khuyến học phù hợp sự đổi mới trong các cơ sở giáo dục, hỗ trợ dạy và học hiện đại trên cơ sở những công nghệ học tập mới, giúp người học tự học, tự định hướng việc học tập theo chương trình chuyển đổi xanh của quốc gia.
Chương trình “khuyến học xanh” của Hội Khuyến học là “ xanh hóa” từng bước trong hoạt động: (1) Hỗ trợ và khuyến khích việc dạy và học của các thế hệ trẻ trong hệ thống nhà trường phổ thông, đại học, cao đẳng; (2) thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập suốt đời của người lớn, xây dựng các mô hình học tập.
II. Việc “Xanh hóa” như thế nào
Khoa học nhân chủng học đã phân chia những người sinh từ năm 1965 đến nay các lớp nhân khẩu: Thế hệ gen X, Y, Z, Alpha, Beta ( gọi tắt thế hệ X, Y, Z, Alpha, Beta). Thế hệ X gồm những người lớn sinh ra trong khoảng từ năm 1965 đến 1980; Thế hệ Y gồm những người lớn sinh ra trong khoảng từ năm 1981 đến 1996; Thế hệ Z gồm thế hệ sinh trưởng trong khoảng thời gian 1997-2012; Thế hệ Alpha là thế hệ sinh trưởng trong khoảng 2013-2027; Thế hệ Beta là thế hệ sinh trưởng sau thế hệ Alpha.
1. Xanh hóa trong việc hỗ trợ và khuyến khích dạy và học thế hệ trẻ trong nhà trường phổ thông, đại học, cao đẳng hiện nay.
a ) Thế hệ Anpha. Đặc điểm nổi trội của thế hệ này là có khả năng bẩm sinh trong phát triển đời sống số, môi trường số. Tương lai họ sẽ là công dân của xã hội số. Trong giai đoạn 2025 -2030, phần lớn thế hệ alpha là con của thế hệ Z, và chủ yếu là học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Môt tiết chào cờ đầu tuần của học sinh trường TH Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Krông Ana. Ảnh: Thanh Tâm - HT trường
Nội dung Chương trình “khuyến học xanh” đối với thế hệ này là “xanh hóa” môi trường học đường theo hướng “Cộng đồng trường học xanh bền vững toàn cầu” (bao gồm: Cơ sở trường học hòa hợp với cây xanh; Học sinh được chăm sóc tốt về sức khỏe học đường; Lớp học thông minh, quy mô nhỏ, làm tốt mục tiêu cá nhân hóa trong hoc tập; Ngay từ năm học đầu tiên, trẻ em đã được giáo dục về lối sống xanh).
Trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Buôn Ma Thuột được xây dựng khang trang, thiết bị dạy học và giáo dục hiện đại. Ảnh: Tú Oanh.
Nhiệm vụ của các cấp Hội Khuyến học sẽ triển khai là: (1) tập trung hoạt động vận động các nguồn lực xã hội để trao học bổng, vật chất thiết yếu hỗ trợ học sinh thuộc gia đình nghèo, có thu nhập thấp, hoặc học sinh có hoàn cảnh khó để các em vươn lên trong học tập; (2) Nòng cốt liên kết xã hội, vận động hỗ trợ xây dựng các lớp học xanh, sạch, sáng phù hợp điều kiện của địa phương.
Học sinh có hoàn cảnh khó khăn trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (Buôn Đôn) vui sướng khi được tài trợ xe đạp đi học. Ảnh: Thái Anh
b) Thế hệ Z. Đặc điểm của thế hệ này nổi trội hơn thế hệ cha anh là năng lực sử dụng công nghệ số và khai thác tri thức trên Internet. Họ có năng lực làm những nghề mới đang dần xuất hiện như: những nghề được trang bị các công nghệ Internet kết nối vạn vật; In 3D; Trí tuệ nhân tạo với hệ thống Robot thông minh hoặc Big Data (dữ liệu lớn). Trong giai đoạn 2025 -2030, thế hệ này là con của thế hệ X, hoặc thế hệ Y, họ chủ yếu đang là học sinh trong các trường trung học phổ thông và các truờng trung cấp và là sinh viên các trường đại học, cao đẳng, và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn trở thành lực lượng lao động chính. Họ cũng muốn có ý nghĩa và chịu trách nhiệm. Họ cũng đòi hỏi lịch làm việc linh hoạt và phần lớn chọn công việc như những free-lancers.
Chương trình “Khuyến học xanh” của các cấp Hội Khuyến học sẽ triển khai nhiệm vụ: Phối hợp nhà trường chuyển đổi số và xanh sẽ giúp cho học sinh, sinh viên nhanh chóng trở thành trở một thế hệ tự học trên cơ sở phát triển lối tư duy tăng trưởng xanh, một lối sống theo văn hóa xanh và phong cách sống trong ngôi nhà toàn cầu, trở thành công dân số và công dân toàn cầu.
2. Xanh hóa đối với việc học tập suốt đời của người lớn
a) Thế hệ X. Thế hệ này đang trong độ tuổi 40 ngoài 50, chứng kiến sự thay đổi từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế dựa trên công nghệ thông tin. Đặc điểm của thế hệ này là đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ, internet và các công nghệ mới; họ dành nhiều thời gian cho bản thân, nảy sinh và nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh. Trên thực tế, có đến 55% các nhà sáng lập start-up thuộc thế hệ X. Thế hệ X vẫn đọc báo, tạp chí, nghe radio và xem TV (họ xem khoảng 165 giờ TV mỗi tháng). Tuy nhiên, họ cũng am hiểu kỹ thuật số và dành khoảng 9 giờ một tuần cho Facebook. Gen X thực hiện một số nghiên cứu và quản lý tài chính trực tuyến, nhưng vẫn thích giao dịch trực tiếp.
b) Thế hệ Y. Là nhóm nhân khẩu học nằm giữa thế hệ X và thế hệ Z. Thế hệ này có đặc điểm là, trong giai đoạn trưởng thành họ đã làm quen và gắn liền với thời đại thông tin, họ rất thoải mái trong việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số và mạng xã hội. Họ phần lớn là bố mẹ của thế hệ Alpha; 80% thế hệ này vẫn xem TV, nhưng các dịch vụ phát trực tuyến là lựa chọn phổ biến của họ. Thế hệ này cực kì thoải mái với các thiết bị di động nhưng 32% vẫn sử dụng máy tính. Họ thường có nhiều tài khoản truyền thông xã hội. Thế hệ Y muốn làm việc trong một môi trường nơi họ cảm thấy thoải mái và được tôn trọng cái tôi. Họ mong muốn lịch trình linh hoạt, có thời gian nghỉ ngơi, và nắm bắt công nghệ mới nhất để giao tiếp. Thế Hệ Y cũng thành công khi có công việc ổn định, có cơ hội học tập.
c) Chương trình “khuyến học xanh” đối với thế hệ X và Y là xanh hóa hình thức vận động tạo cơ hội học tập thuờng xuyên tại các trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, các câu lạc bộ... Các cơ sở này cần có những chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, bao gồm:
(1) Những kiến thức về dinh dưỡng theo xu hướng “Ăn xanh - sống lành” hoặc “Ăn sạch-sống xanh”;
(2) Những kiến thức về ngôi nhà xanh, để sống gần gũi với thiên nhiên. Nếu nhà ở mặt phố, cần có hiểu biết làm xanh hóa ngôi nhà như trồng cây ở ban công, ở sân thượng, không sử dụng những năng lượng tạo ra khói bụi gây ô nhiễm không khí. Tạo nên những căn phòng thông minh trong điều kiện cho phép;
(3) Những kiến thức để tạo việc làm hoặc để có thêm nghề phụ, tránh những việc làm của nền kinh tế nâu (Brown Econmy) đã lỗi thời;
(4) Những kiến thức số và kỹ năng số tối thiểu để sống thích ứng với sự chuyển đổi số trong các lĩnh vực trao đổi thông tin, giao lưu trên mạng, mua bán online,học tập trên các phương tiện thông minh như Smartphone, tablet...
Tập huấn đánh giá, công nhận Đơn vị học tập cấp Tỉnh, Huyện do HKH phối hợp SGDĐT tổ chức. Ảnh: Hoàng Sâm.
d) Nhiệm vụ các cấp Hội Khuyến học từ nay đến năm 2030: thúc đẩy mạnh phong trào thi đua học tập suốt đời mà kết quả cuối cùng là đạt mục tiêu cuối giai đoạn 2021- 2030 về những mô hình: “Công dân học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” theo các bộ tiêu chí đánh giá trong các quyết định của Hội Khuyến học Việt Nam (Quyết định số 242/QĐ-KHVN, ngày28/7/2022 và Quyết định số 324/QĐ-KHVN, ngày25/10/2023). Trên cơ sở giữ nguyên các năng lực cốt lõi và số lượng cùng nội dung “cứng” các kỹ năng cơ bản, các phẩm chất mong muốn. Thực hiện “xanh hóa” các chỉ số đo trong bộ tiêu chí, nhằm giúp người dân tự giác xanh hóa đời sống gia đình, sinh hoạt dòng họ, các hoạt động của cộng đồng và các đơn vị, từ đó nâng cao chất lượng của các mô hình học tập.
Sau năm 2030, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam sẽ ban hành các Bộ tiêu chí mới các mô hình học tập, bao gồm những năng lực cốt lõi, các kỹ năng số và kỹ năng xanh, những phẩm chất của con người có lối sống xanh, tư duy xanh trong một xã hội học tập xanh của kỷ nguyên xã hội thông minh.
Thường trực Hội Khuyến học tỉnh Đắk Lắk