Năm 2016, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Hội Khuyến học (HKH) tỉnh, Hội Cựu giáo chức (HCGC) tỉnh đã phối hợp phát triển tổ chức Hội Khuyến học tỉnh trong trường học và phát triển Hội Cựu giáo chức. Ngày 05/7/2023, tại Sở GD&ĐT, hội nghị tổng kết đã đánh giá kết quả phối hợp và ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến năm 2030. Cụ thể:
1. Kết quả phát triển tổ chức hội, hội viên Hội khuyến học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Hội nghị Tổng kết thực hiện Chương trình 1190 và Ký kết Chương trình phối hợp (CT 55) giữa Sở GDĐT, HKH và HCGC tỉnh phát triển tổ chức Hội Khuyến học trong trường học và phát triển Hội cựu giáo chức đến năm 2030. Ảnh: Thái Anh
Năm học 2022 – 2023, hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo toàn tỉnh có 1040 trường Trong đó hệ thống cơ sở giáo dục do Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố quản lý có 949 trường (Cơ sở giáo dục mầm non: 328 trường; Cơ sở giáo dục tiểu học: 382 trường; Cơ sở giáo dục trung học cơ sở: 239 trường); Hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo có 62 trường (Cơ sở giáo dục trung học phổ thông: 60 trường, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh: 01; Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk: 01) và các cơ sở giáo dục khác: 29 đơn vị (Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên: 15, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp,… ).
Cuối năm 2022, hệ thống tổ chức Hội Khuyến học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo: 1000 Chi, Ban Khuyến học, đạt 96,15% so với tổng số cơ sở giáo dục và đào tạo toàn tỉnh; thấp hơn so với mục tiêu đề ra 3,85%. Trong đó, những địa phương có kết quả 100% là: Cư Kuin, Cư M’gar, M’Đrắk; Những địa phương có kết quả cao hơn kết quả chung toàn tỉnh là: Ea Kar, Ea Súp, Krông Năng. Các trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, Phân hiệu Đại học Luật, Phân hiệu Đại học Đông Á, Cao đẳng Y tế Đắk Lắk, Cao đẳng Công nghệ Đắk Lắk, Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk, Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật chưa vận động tổ chức được Hội Khuyến học.
Tổng số hội viên khuyến học trong các cơ sở giáo dục và đào tạo toàn tỉnh năm 2022 là 55.226 người.
2. Kết quả phát triển tổ chức hội và hội viên Hội Cựu giáo chức.
Lễ Ký kết Chương trình phối hợp (CT 55), ngày 05/7/2023.
Ảnh: VP Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk
Tổng số xã, phường, thị trấn toàn tỉnh là 184 đơn vị. Tổng số HCGC cơ sở là 144 tổ chức. Trong đó, HCGC xã, phường, thị trấn: 133 tổ chức, đạt tỷ lệ: 72,28% so với tổng xã, phường, thị trấn toàn tỉnh; HCGC cơ sở trực thuộc Tỉnh hội là 10 tổ chức[1]. Tổng số cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục và đào tạo đã nghỉ hưu, thôi việc hiện nay đang cư trú tại tỉnh Đắk Lắk là: 5744 người. Tổng số hội viên HCGC toàn tỉnh: 4810 người, đạt tỷ lệ: 83,74% so với tổng số cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục và đào tạo đã nghỉ hưu, thôi việc. Các địa phương: Krông Bông, Buôn Hồ, Cư M’gar, Krông Năng, Ea Kar, M’Drắk, Ea Súp đạt tỷ lệ trên 90%; Các huyện Ea H’Leo, Cư Kuin, Krông Ana, Krông Búk đạt tỷ lệ chưa cao.
3. Kết quả khác
Tổng số cán bộ HKH tham gia quản lý trung tâm học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn: 361 người/ 184 trung tâm.Tổng số hội viên HCGC tham gia HKH: 3826 người, đạt tỷ lệ 82,0 % so với tổng số hội viên. Tổng số gia đình hội viên HCGC đạt danh hiệu “Gia đình học tập” năm 2022: 2121 gia đình, đạt tỷ lệ 75,02% so với tổng số.Tổng số cơ sở giáo dục và đào tạo đạt đạt danh hiệu “Đơn vị học tập” năm 2022: 893 trường, đạt tỷ lệ 85,86% so với tổng số.
Trong 6 năm qua, tổng kinh phí HKH vận động chi hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học bổng học sinh nghèo vượt khó học giỏi; khen thưởng học sinh có thành tích cao trong học tập, rèn luyện đạo đức, sáng tạo và khởi nghiệp,…: 89.819 triệu đồng. Trong đó, 51,59 % chi hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học bổng học sinh nghèo vượt khó học giỏi; 35,55 % chi khen thưởng học sinh,12,86 % chi hỗ trợ khác.
4. Bài học kinh nghiệm
Thứ nhất, cần thiết phải có Chương trình phối hợp lâu dài giữa ngành GD&ĐT, HKH và HCGC triển khai từ tỉnh đến xã/phường/thị trấn nhằm đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Chương trình phối hợp cần xác định mục tiêu, nhiệm vụ và phân định trách nhiệm cụ thể của các bên tham gia phối hợp.
Thứ hai,các bên phối hợp cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức đầy đủ của cán bộ, công chức, viên chức và hội viên; Hội viên HKH, HCGC nắm vững chủ trương đổi mới và phát triển giáo dục của ngành, của địa phương; Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, phụ huynh, học sinh có hiểu biết về HKH, HCGC và phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Mối quan hệ, liên hệ phối hợp tốt giữa Sở GDĐT, HKH và HCGC tỉnh góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại tỉnh nhà.
Ảnh: VP sở GDĐT
Thứ ba, Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo dục, Hiệu trưởng cơ sở giáo dục là hạt nhân điều hành sự phối hợp mối quan hệ hài hòa giữa các bên; Thường trực HKH, HCGC các cấp, Chi hội trưởng luôn luôn chủ động liên hệ và sẵn sàng cùng cơ quan quản lý giáo dục cùng cấp, cơ sở giáo dục triển khai các biện pháp thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Thứ tư, HCGC các xã/phường/ thị trấn luôn luôn giữ mối liên hệ với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục địa phương, kiên trì vận động cán bộ, giáo viên ngay từ khi nhận quyết định nghỉ hưu. Đồng thời, cải tiến hình thức sinh hoạt gọn nhẹ, thiết thực để cuốn hút các cựu giáo chức tự nguyện gia nhập hội.
5. Chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến năm 2030
Bước vào giai đoạn mới, để tiếp tục tăng cường phối hợp giữa Sở GD&ĐT, HKH tỉnh, HCGC tỉnh, nhằm triển khai thực hiện công văn số 2539 –CV/TU ngày 23/3/2023 của Tỉnh ủy Đắk Lắk về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 49 – KL/TW của Ban Bí thư, ngày 05/7/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp (Chương trình số 55) về đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến năm 2030. Hội nghị đã tiến hành ký kết Chương trình phối hợp.
Lãnh đạo Sở GDĐT và Hội KH tỉnh trao Bằng khen, Giấy khen,
phần thưởng cho học sinh đạt thành tích xuất sắc trong các
kỳ thi cấp Quốc gia năm học 2022-2023. Ảnh VP HKH tỉnh
Nội dung chính Chương trình phối hợp công tác từ nay đến năm 2030 là: Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập; Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng; Tổ chức phong trào khuyến học, khuyến tài đồng hành sự phát triển giáo dục và đào tạo; Tổ chức kiểm tra, đánh giá, công nhận các mô hình học tập; Phát triển tổ chức Hội và hội viên HKH và HCGC.
Việc tổ chức thực hiện cũng xác định rõ trong Chương trình phối hợp lần này: Sở GD&ĐT phân công các phòng chức năng thực hiện những nhiệm liên quan trong Chương trình. Giao Văn phòng Sở làm đầu mối theo dõi, phối hợp Văn phòng HKH và HCGC tỉnh; Thường trực HKH, HCGC tỉnh phân công các Ban công tác của Hội thực hiện trách nhiệm về những nhiệm vụ liên quan trong Chương trình; báo cáo tình hình phối hợp cho Ban Chấp hành trong các cuộc họp thường kỳ. Giao Văn phòng HKH và HCGC tỉnh làm đầu mối theo dõi, phối hợp với Văn phòng Sở GD&ĐT; Định kỳ hằng năm vào tháng 3, mỗi Thành viên của Chương trình tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của năm trước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm tiếp theo. Các Thành viên cùng thống nhất tổ chức sơ kết thực hiện Chương trình phối hợp vào cuối năm 2026 và tổng kết vào cuối năm 2030.
Với Chương trình phối hợp mới này, chắc chắn phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh sẽ được đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới./.