CÁC TỔ CHỨC TÔN GIÁO TỈNH ĐẮK LẮK CHUNG TAY ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI, XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có 13 tổ chức tôn giáo, trong đó có 4 tôn giáo lớn: Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Cao đài.
Đạo Công giáo truyền vào địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ những năm cuối thế kỷ XIX. Đến nay, số giáo dân chiếm tỷ lệ trên 12% dân số toàn tỉnh; trong đó có trên 57 ngàn giáo dân dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 39 giáo xứ và 31 giáo họ. Các cơ sở Công giáo hoạt động sôi nổi, các tín hữu đều được bày tỏ đức tin, tích cực lao động sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ người khó khăn, nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật,…
Đạo Công giáo luôn tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, giúp đỡ người khó khăn, trẻ khuyết tật, khuyến học, khuyến tài...Ảnh: Thái Anh - Hội Khuyến học tỉnh
Đạo Tin lành du nhập và địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ những năm đầu thế kỷ XX, các hệ phái Tin lành có mối quan hệ đa chiều với các tổ chức Tin lành Việt Nam và quốc tế; có hình thức hoạt động mềm dẻo, giáo lý và lễ nghi đơn giản hóa, phù hợp với điều kiện kinh tế còn khó khăn nên hấp dẫn được nhiều người tham gia. Đến nay, toàn tỉnh có 18 hệ phái, hoạt động tại 409 thôn, buôn, với tổng số tín đồ trên 9,1% dân số toàn tỉnh; trong đó có trên 110 ngàn giáo dân dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 42 chi hội, trong đó có 41 chi hội thuộc hệ phái Tin lành Việt Nam, 01 chi hội thuộc hệ phái Cơ đốc Phục lâm. Hoạt động của các chi hội Tin lành theo đúng Hiến chương của Hội thánh, các nhu cầu được chính quyền địa phương xem xét giải quyết kịp thời, nên đã động viên các chức sắc, tín đồ yên tâm lao động sản xuất, tham gia tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân ở địa phương.
Hoạt động của Hội Thánh Tin lành luôn động viên chức sắc, tín đồ yên tâm lao động sản xuất, tham gia thực hiện tốt nghĩa vụ công dân ở địa phương, động viên con em phấn đấu học tập, rèn luyện trưởng thành. Ảnh: Thái Anh - Hội Khuyến học tỉnh
Đạo Phật được truyền thừa vào tỉnh Đắk Lắk từ giữa thế kỷ XIX, đến nay số phật tử toàn tỉnh chiếm tỷ lệ trên 8,8% dân số; trong đó có trên 5 ngàn phật tử dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 122 chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường. Các cơ sở Phật giáo ở tỉnh ta đều được sự giúp đỡ của chính quyền các cấp, hoạt động ổn định theo lễ nghi của Phật giáo. Giáo hội Phật giáo luôn luôn khẳng định đường hướng hành đạo theo phương châm: “ Đạo pháp - Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, tăng cường tình đoàn kết, động viên các tăng ni, phật tử hăng hái tham gia các phong trào quần chúng của địa phương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Giáo hội Phật giáo luôn khẳng định: “Đạo pháp - Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, tăng cường tình đoàn kết, động viên các tăng ni, phật tử hăng hái tham gia các phong trào quần chúng của địa phương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Ảnh: Thái Anh - Hội Khuyến học tỉnh
Đạo Cao đài bắt đầu du nhập vào tỉnh Đắk Lắk từ năm 1957. Đến nay, có khoảng gần 0,3% dân số toàn tỉnh là tín đồ thuộc 04 hệ phái: Cao đài Tây Ninh, Cao đài Ban Chỉnh, Cao đài Truyền giáo và Cao đài Chơn Lý. Toàn tỉnh có 7 thánh thất và 1 cơ sở đạo. Các hệ phái, họ đạo Cao đài hoạt động, sinh hoạt theo đường hướng của Hội thánh Truyền giáo Cao đài, động viên các tín đồ có ý thức công dân, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hội Thánh Truyền giáo Cao Đài luôn động viên các tín đồ có ý thức công dân, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: VP HKH tỉnh
Hội Khuyến học tỉnh Đắk Lắk là tổ chức xã hội, thành viên Mặt trận Tổ quốc tỉnh, trong nhiều năm qua, Hội đã chủ động liên kết, tập hợp các lực lượng xã hội; trong đó có đông đảo đồng bào tín đồ, tín hữu các tôn giáo, thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Với tinh thần “ Duy tuệ thị nghiệp” của Phật giáo , hoặc coi “ Giáo dục hiện nay, xã hội và giáo hội ngày mai” của Công giáo, hay đạo Cao đài chủ trương “ Chung tâm, hiệp trí thì bước đạo mới vững vàng”,…Có thể nói, các tổ chức tôn giáo đều thống nhất lấy sự nghiệp học tập tiến bộ của mỗi con người làm gốc. Vì lẽ đó mà lâu nay, các tín đồ tôn giáo đã tự nguyện hòa đồng cùng toàn dân hưởng ứng các chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục, xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước; tích cực tham gia phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương với các việc làm cụ thể, thiết thực.
Năm 2012, Hội nghị “ Các tổ chức tôn giáo tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” tỉnh Đắk Lắk lần thứ nhất, đã giới thiệu nhiều mô hình tiêu biểu tham gia khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập như: Chùa Bửu Thắng, Chùa Hoa Nghiêm, Chùa Thiện Đức, Chùa Phước Hòa, Chùa Quảng Trạch, Giáo xứ Châu Sơn, Giáo xứ Vinh Hòa, Giáo xứ Quỳnh Ngọc, Chi hội Tin Lành buôn Dham (Ea Bông, Krông Ana), Cơ sở Đạo Cao đài Trung Điền,…
Năm 2017, tại Hội nghị lần thứ 2, các tổ chức tôn giáo đều thống nhất tiếp tục sát cánh cùng Hội Khuyến học các cấp, mở rộng hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập gắn với các hoạt động nhân đạo cho con người của tổ chức tôn giáo mình, góp phần phấn đấu cho phong trào “toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục”, “ xây dựng xã hội học tập”; cùng với các tổ chức đoàn thể, lực lượng xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia các chương trình Xây dựng nông thôn mới, Xây dựng đô thị văn minh hiện đại, Giảm nghèo bền vững.
Các tôn giáo luôn đồng hành, chung tay vì sự nghiệp chung và vì sự phồn vinh của đất nước. Ảnh: Hà Ngọc Đào - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh
Từ đó đến nay, các tổ chức tôn giáo luôn luôn chung tay đẩy mạnh phong trào khuyến học theo các mô hình chính:
Mô hình thứ nhất, Các cơ sở tôn giáo ở địa phương đã tự nguyện tham gia tổ chức Hội, xây dựng Ban Khuyến học ngày càng phát triển, đóng góp công sức thiết thực để phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương (từ giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên); đặc biệt công tác phổ cập giáo dục, vận động trẻ em đi học, chống bỏ học, thất học,… Những công việc này, mọi tín đồ, tín hữu tôn giáo tham gia tự nhiên, trách nhiệm,hăng hái, tích cực, tự giác,…đến mức nếu có khiếm khuyết thì cảm thấy áy náy, lo lắng.
Mô hình thứ hai, Các cơ sở tôn giáo tích cực vận động bà con tín đồ, tín hữu tham gia các chương trình học tập, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, các chủ trương của Đảng và Pháp luật của Nhà nước…các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; các kiến thức kỹ năng cuộc sống, giảm nghèo, làm giàu chính đáng; chương trình khởi nghiệp cho thanh niên, chương trình xây dựng nông thôn mới,…
Mô hình thứ ba,Tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ, trẻ em khuyết tật; hỗ trợ trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; Phối hợp các nhà trường địa phương góp phần chăm lo “ba đủ” để các em được đi học và đi học đúng độ tuổi.
Mô hình thứ tư, Phối hợp Hội Khuyến học các cấp, Nhà trường và Chính quyền địa phương vận động bà con tín đồ, tín hữu hiến đất làm trường, đóng góp công của đầu tư cơ sở vất chất trường học; Hưởng ứng chủ trương đổi mới giáo dục, tích cực tham gia xây dựng “ Trường học thân thiện”, trường học đạt chuẩn quốc gia.
Mô hình thứ năm, Phối hợp Hội Khuyến học địa phương vận động các vị chức sắc quản nhiệm các cơ sở tôn giáo đăng ký xây dựng “ Cộng động học tập”, vận động gia đình tín đồ, tín hữu đăng ký xây dựng “ Gia đình học tập”, quan tâm động viên con em nỗ lực học tập, rèn luyện đạo đức, kỹ năng sống lành mạnh, không bỏ học, không vi phạm nội quy nhà trường và pháp luật của nhà nước; vận động thanh niên tích cực học tập các lớp xóa mù chữ, bổ túc văn hóa,...
Nguyễn Văn Hòa - Hội Khuyến học tỉnh